Hội nghị công bố kết quả rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

Thứ Ba, 03/02/2015, 17:46 [GMT+7]
(BNCTW) - Sáng ngày 27-01-2015, Đoàn công tác số 1 - Ban Nội chính Trung ương do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương làm trưởng Đoàn đã làm việc với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (viết tắt là VCB) để thông qua dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng tại VCB theo Chương trình công tác trọng tâm năm 2014 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch số 36-KH/BNCTW ngày 13-8-2014 của Ban Nội chính Trung ương.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên BCH Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị đề nghị lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn báo cáo, giải trình bổ sung về một số nội dung trong báo cáo; trao đổi những khó khăn vướng mắc và tiếp thu đầy đủ kiến nghị, đề xuất của Đoàn công tác.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, trưởng Đoàn công tác phát biểu Kết luận Hội nghị
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, trưởng Đoàn công tác phát biểu Kết luận Hội nghị
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, trưởng Đoàn công tác số 1 đánh giá VCB là một trong 04 ngân hàng thương mại lớn nhất của Nhà nước hiện nay, duy trì tăng trưởng tín dụng cao, tỷ lệ nợ xấu thấp, chất lượng tín dụng được đảm bảo, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 đều đạt và vượt. Hoạt động của các công ty con và công ty liên kết đều có lãi và bảo toàn được vốn, các chi nhánh chấp hành đúng quy định của pháp luật, của ngân hàng Nhà nước; VCB đã chủ động, thường xuyên rà soát, kịp thời xử lý các tồn tại, hạn chế, vi phạm. Tuy nhiên còn một số hạn chế như thẩm định trước khi cho vay một số trường hợp chưa thận trọng; việc kiểm soát giải ngân và thanh toán nợ của khách hàng có trường hợp chưa chặt chẽ; một số tài sản đảm bảo tính thanh khoản không cao; hoạt động tín dụng của một số chi nhánh chưa đa dạng dẫn đến dư nợ tín dụng chủ yếu tập trung ở những lĩnh vực có rủi ro cao… Đồng chí Phó trưởng Ban Thường trực cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế, nhất là các nguyên nhân về cơ chế, chính sách  như: thông tin về doanh nghiệp cổ phần hóa không đến với Ngân hàng; thủ tục phá sản doanh nghiệp kéo dài; xử lý tài sản bị thu giữ, kê biên, quá trình thi hành án chậm; xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc; thẩm quyền của VAMC còn hạn chế; chưa có tiêu chí thống nhất về xếp hạng tín dụng khách hàng; sự phối hợp của các địa phương, bộ, ban, ngành có liên quan đến xử lý nợ xấu,... . Đồng chí Phó Trưởng Ban Thường trực cũng chỉ rõ những kiến nghị đề xuất đối với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sửa đổi, bổ sung, xây dựng hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách để tạo môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đặng Phước
 

 

;
.