Thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Thứ Hai, 30/06/2025, 15:35 [GMT+7]
    Nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, phù hợp mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
 
    Ban Chỉ đạo Trung ương xác định, chuyển đổi số là quá trình đổi mới toàn diện phương thức làm việc, cấu trúc lại quy trình, phân cấp, phân quyền gắn liền ứng dụng công nghệ. Yêu cầu đặt ra là toàn bộ hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động thống nhất, khẩn trương, cấp bách.
 
Hội nghị triển khai thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Hội nghị triển khai thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
    Các nhiệm vụ, đặc biệt trong giai đoạn đầu, phải có sản phẩm cụ thể, đo lường được và hoàn thành đúng tiến độ; bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các quy định, tiêu chuẩn về an ninh và bảo mật thông tin. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Kết quả chuyển đổi số là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong giai đoạn mới.
 
    Theo Kế hoạch số 02, có tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chuyển đổi số, được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn cấp bách (đến ngày 30/6/2025), tập trung tháo gỡ ngay các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, dữ liệu để bảo đảm hệ thống chính quyền địa phương hai cấp vận hành thông suốt, liên tục, hiệu quả từ ngày 1/7; giai đoạn đột phá (đến ngày 31/12/2025) nhằm hoàn thiện các nền tảng dùng chung, chuẩn hóa và kết nối các cơ sở dữ liệu quan trọng, nâng cao thực chất chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
 
    Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ương có vai trò tổng chỉ huy. Chính phủ và các bộ ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chịu trách nhiệm về quản trị dữ liệu quốc gia. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện việc triển khai tại địa phương. Cấp xã là cấp thực thi, tuyến đầu phục vụ người dân, bảo đảm thực hiện thông suốt các dịch vụ công và tạo lập dữ liệu mới “đúng-đủ-sạch-sống-thống nhất-dùng chung” từ ngày 1/7/2025. Người dân và doanh nghiệp tương tác với toàn bộ hệ thống qua một cửa duy nhất là Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID.
 
    Cụ thể hóa kế hoạch thực hiện, Ban Chỉ đạo đã ban hành bốn danh mục nhiệm vụ cụ thể cho khối cơ quan Đảng; các bộ, ngành; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; khối địa phương. Tất cả đều rõ nội dung, vai trò; cơ quan phối hợp chính và thời hạn hoàn thành. Sáu nhóm công tác chuyên trách, do các đồng chí lãnh đạo tổ giúp việc phụ trách, có nhiệm vụ bám sát địa bàn, lĩnh vực được phân công, trực tiếp làm việc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn tại chỗ và báo cáo thường xuyên về cơ quan thường trực. Trung tâm chỉ huy giám sát, điều hành đặt tại Văn phòng Trung ương Đảng, hoạt động liên tục 24 giờ trong ngày, bảy ngày trong tuần, với đội ngũ 40 cán bộ chuyên trách, luôn sẵn sàng để bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt.
 
    Tám nhóm gồm: Nhóm Hoàn thiện thể chế, pháp lý; Nhóm Xây dựng hạ tầng số; Nhóm dữ liệu; Nhóm thống nhất nền tảng, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động trong các cơ quan hệ thống chính trị; Nhóm về nhân lực cho chuyển đổi số; Nhóm về nguồn lực tài chính; Nhóm về chuyển đổi số trong Khối các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, ngành Toà án, ngành Kiểm sát; Nhóm Bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo mật. Nhóm Hoàn thiện thể chế, pháp lý nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo "thể chế đi trước một bước".
 
    Để triển khai thành công Kế hoạch, thay mặt Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, đồng chí Phạm Gia Túc đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương trong toàn hệ thống chính trị: Phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm số một. Khẩn trương chỉ định đầu mối phối hợp với Trung tâm Chỉ huy, ban hành kế hoạch hành động chi tiết và chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Chỉ đạo về tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được giao cho khối của mình.
 
    Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố: Phải trực tiếp chỉ đạo, thành lập ngay Tổ Công tác liên ngành tại địa phương, chủ động phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp để tổ chức diễn tập, vận hành thử nghiệm và sẵn sàng cho ngày 1/7/2025; phải quyết liệt áp dụng các giải pháp tình thế để đảm bảo không một người dân, doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi.
 
    Các Tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ phát huy tinh thần trách nhiệm xã hội, coi đây là nhiệm vụ chính trị; huy động nguồn lực tốt nhất, thành lập các tổ công tác đối ứng, hỗ trợ các địa phương 24/7, đảm bảo các hệ thống kỹ thuật vận hành ổn định, an toàn.
 
    Các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực, chủ động vào cuộc, tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, ý nghĩa của Kế hoạch, lan tỏa các mô hình tốt, cách làm hay, đồng thời thực hiện chức năng giám sát, phản ánh kịp thời, trung thực, tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội.
                                                                                                 P.V
.