Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải được tăng cường đồng bộ với quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
Thứ Ba, 08/07/2025, 11:18 [GMT+7]
Tại buổi làm việc của lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan báo chí thông báo kết quả Phiên họp 28 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực diễn ra hôm qua, ngày 07/7, đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu nhiệm vụ thời gian tới cần tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ và tình trạng nhũng nhiều, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
![]() |
Các đồng chí chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan báo chí thông báo kết quả Phiên họp 28 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực |
Thời gian qua, qua sắp xếp, cả hệ thống chính trị đã tinh gọn tổng số trên 31.400 đầu mối các cấp, như vậy sẽ tiết kiệm được nguồn lực rất lớn. Giai đoạn 2026 - 2030, chỉ tính riêng chi cho lương và định mức chi phí hành chính, dự kiến sẽ tiết kiệm khoảng 190.500 tỷ đồng, bình quân giảm khoảng hơn 38.000 tỷ đồng/năm, chưa kể chi phí liên quan đến quy trình, thủ tục hành chính, các hoạt động có tính chất trung gian và các chi phí khác. Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương hoàn thành tổng kiểm kê các công trình, trụ sở, tài sản công để bố trí, sử dụng, xử lý phù hợp, hiệu quả, tránh để thất thoát, lãng phí; sắp xếp, số hóa hồ sơ, tài liệu liên quan đến các vụ án, vụ việc và công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để quản lý, phục vụ tiếp tục xử lý, không để thất lạc, “chìm xuồng”.
Điểm mới nổi bật nữa đó là, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số cả trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước các cấp, nhất là tập trung cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống dữ liệu số, triển khai quản lý, quản trị, điều hành và phục vụ trên môi trường số. Qua đó tiết kiệm rất lớn thời gian, nhân lực, hạn chế tham nhũng, tiêu cực và phục vụ hữu hiệu cho công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Vừa qua đã ứng dụng công nghệ, triển khai lấy ý kiến toàn dân góp ý sửa đổi Hiến pháp trên nền tảng VNeID, rất thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm; ứng dụng công nghệ ngay trong quá trình xử lý vụ án Vạn Thịnh Phát thông qua việc gửi thông báo thi hành án trên VNeID). Nếu thực hiện theo cách truyền thống thì không bao giờ có thể làm được những việc này.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh lưu ý của Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là sau hợp nhất, sáp nhập các tỉnh, các xã và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, phạm vi quản lý của các địa phương lớn hơn, được phân cấp, phân quyền nhiều hơn, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn, nhất là cấp xã được phân cấp, phân quyền giải quyết nhiều công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Do vậy, phải tăng cường kiểm soát, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi quyền lực ở địa phương, đặc biệt là ở cấp xã, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; khắc phục triệt để tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc và các tài sản công sau sắp xếp tỉnh, xã và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, có phương án xử lý đối với các trụ sở công dôi dư, đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh để lãng phí (theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 4.266 trụ sở dôi dư).
Cùng với đó, yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo là, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, chủ động xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở trong tình hình mới. Đối với các địa phương mới hợp nhất, sáp nhập phải nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, hoàn thiện các quy trình, quy định phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu khẩn trương tiến hành tổng kết toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng từ chi bộ, cơ sở, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là trong điều kiện thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đồng thời, rà soát các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIV đã có đủ cơ sở chính trị, pháp lý để tham mưu việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện ngay, không đợi đến sau Đại hội XIV.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải được tăng cường đồng bộ với quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp - làm quyết liệt ngay từ đầu, ngay từ khi bắt đầu vận hành - góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương hai cấp thực sự liêm chính, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
P.V